Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chúa nhật XVI TN C

Buồn buồn tôi rẽ sang vườn khác
Cái lạnh không mùa, lạnh khắp nơi
Quay về, không dám bơi thuyền nữa
Nước cũng dâng cao khí lạnh rồi.
Lạnh như tràn ngập tới hư vô
Gợn sóng lăn tăn phủ kín hồ
Tôi để con thuyền im ngủ đó
Sợ thuyền thêm lạnh lúc xa bờ.

Đấy là hai đoạn trong bài thơ “
Lạnh” của Yến Lan. Cái lạnh “không mùa, lạnh khắp nơi” nếu thấm sâu buốt giá đến tận đáy tâm hồn thì thật là khủng khiếp. Hẳn là nhà thơ Yến Lan đã kinh qua cái lạnh này?

Rất may, nhà thơ này luôn có người bạn tri kỷ bên cạnh để sưởi ấm tâm hồn cho ông. Nhà văn 
Mang Viên Long đã viết về người bạn đời ấm áp ấy của Yến Lan như sau:

Bà Yến đã có đôi lần cho tôi biết, bà thường được ông đọc cho nghe các bài thơ khi còn ở dạng bản thảo hay còn dang dở. Bởi vậy bà Yến đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông một cách say mê, có nhiều bài đã thuộc nằm lòng. Khi được gặp cả ông và bà thường thì bà luôn giúp chồng tiếp khách. Lúc ông nhắc kể đến bài thơ nào, sáng tác trong hoàn cảnh ra sao thì bà Yến đều có thể gợi nhớ cho ông ngay…
              
Trong những ngày cuối năm 1995, ông Yến Lan đau nặng hơn – người khô gầy, đôi tay thỉnh thoảng run rẩy, không thể tự tay cầm bút viết một bài thơ. Bà Yến lại luôn kề cận chồng, làm “thư ký riêng” cho chồng, ghi lại những sáng tác của ông đọc trong một quyển vở 100 trang. Viết xong, bà đọc lại cho ông nghe đôi ba lần, có chỗ nào ông cần sửa, bà luôn cẩn trọng sửa lại cho dù một chữ. Bà luôn luôn trân trọng, yêu quý từng câu thơ của ông! Ngày ông mất, đến thăm viếng, chia buồn với bà, bà Yến có cho biết – “Trước lúc mất hai hôm, ông nhà tôi cũng đọc cho tôi chép ba bài thơ cuối cùng…”
              
Tôi xin phép được trích ra đây hai đoạn của bài “Nhớ về anh” của bà :
 “Nhớ lại buổi trưa hè nào đó,
Em thương chàng – nhà giáo làm thơ
Vào chùa lấy cớ xin me
Để em lại được nghe thơ của chàng…”
 “… Về Bình Định, vài năm sau bị bệnh
Tay run run không chép được thơ mình
Bao năm ấy, tay em cầm bút viết
Thay tay chàng, em ghi lại những vần thơ”.

Một người bạn đời tri âm tri kỷ như vậy đã trở thành nguồn hạnh phúc thật lớn cho thi sĩ Yến Lan.

Chúa Giêsu là người bạn như thế đối với tôi. Và còn hơn thế rất nhiều:
·         Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
·         Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
·         Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.
·         Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.
(x. Ga 15,15-20; 14,12)
Với thân xác phục sinh thần thiêng, Chúa Giêsu luôn cận kề bên tôi, lắng nghe tôi, tìm cách sưởi ấm cõi lòng nhiều khi rất băng giá của tôi.



Và Ngài cũng hằng mong tôi trở thành tri âm tri kỷ của Ngài với cung cách như Maria trong bài Tin Mừng hôm nay:
 
Một hôm, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
(Lc 10, 38-42)

Con cũng muốn có nhiều giờ ở bên Chúa, lắng nghe Chúa như Maria. Và lòng con cũng muốn cận kề tâm giao với Chúa ngay trong chính những lúc đang tất bật với công việc phục vụ như Mácta. Phục vụ trong bình an nhờ Lời của Ngài vẫn ngọt ngào rót vào tai con. Xin giúp con…
Lm. Giuse Mạnh Hữu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét